image banner
Lào Cai: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 7.300 người khuyết tật (NKT) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó, NKT đặc biệt nặng có hơn 1.900 người, NKT nặng trên 5.400 người. Với truyền thống tương thân, tương ái, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo cho NKT, giúp họ từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT” (Chỉ thị số 39) và Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39; theo đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án; tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung của Chỉ thị số 39 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lồng ghép triển khai quán triệt nội dung đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Thông qua việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 39, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác NKT có sự chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai tổ chức hoạt động thể thao kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2025

Để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về công tác NKT, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung: Tuyên truyền về các chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về trợ giúp NKT, các hoạt động hỗ trợ, kết quả công tác trợ giúp NKT về đời sống, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tiếp cận văn hóa, giao thông, công nghệ thông tin, giao tiếp xã hội. Các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến NKT đến tận các thôn, bản, tổ dân phố về Luật NKT, quyền lợi và nghĩa vụ của NKT để Nhân dân nắm được và chủ động đến trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn làm thủ tục đề nghị xác định hoặc xác định lại mức độ khuyết tật. Kết quả 100% NKT có nhu cầu được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Số đối tượng sau khi xác định mức độ khuyết tật xong đã được hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp giấy xác nhận khuyết tật để làm cơ sở thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và các chế độ có liên quan; đối với những đối tượng khuyết tật nhẹ được cấp giấy xác nhận khuyết tật để hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật NKT. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã thực hiện khám giám định cho tổng số 416 lượt NKT, trong đó có 143 khuyết tật mức độ nhẹ, 253 khuyết tật mức độ nặng và 20 khuyết tật mức độ đặc biệt nặng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các địa phương mỗi năm tổ chức các lớp tập huấn với sự tham gia của 1.000 lượt người chăm sóc NKT; Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại nhà cho 950 người là nạn nhân, người khuyết tật, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, NKT, gia đình NKT cách phát hiện, chăm sóc NKT tại cộng đồng cho 8.960 lượt người; tổ chức các lớp tập huấn phương pháp phát hiện sớm khuyết tật và kỹ năng phục hồi chức năng tại cộng đồng cho gần 300 lượt cán bộ y tế thôn bản. Sau đợt tập huấn, học viên phần nào biết được các phương pháp, kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng tại gia đình góp phần giảm nhẹ triệu chứng, giúp đối tượng có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó, hoạt động truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý cho NKT luôn được Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh nhằm giúp NKT biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình và tiếp cận với hệ thống trợ giúp pháp lý miễn phí.

Khám sàng lọc khuyết tật cho trẻ em tại Trung tâm y tế huyện Mường Khương tháng 3/2025.

Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho NKT luôn được ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện thường xuyên và ưu tiên hàng đầu. Thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên đề, đã cập nhật, bổ sung các phác đồ điều trị của bệnh viện, nên chất lượng chăm sóc, điều trị được cải thiện hơn; thực hiện tốt các quy định về chế độ, chính sách, chế độ ưu tiên đối với NKT khi tham gia khám, điều trị tại các cơ sở y tế (các bệnh viện đều thiết kế lối đi cho xe lăn, nhà vệ sinh cho NKT…); công tác chăm sóc toàn diện được chú trọng, bệnh nhân được điều trị, phục hồi chức năng theo đúng quy định, các quyền lợi khác của người bệnh được đáp ứng đầy đủ.

Theo Sở Y tế tỉnh, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện khám sức khỏe cho hơn trên 37.800 lượt NKT (đều có thẻ bảo hiểm y tế); điều trị nội trú cho 13.010 lượt người khuyết tật; thực hiện chuyển tuyến cho 927 người khuyết tật. Hằng năm, tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc khuyết tật tại các huyện, các trường tiểu học, trường mầm non trên địa bàn tỉnh, qua đó đã khám cho gần  211.300 lượt người;  đã có  trên 20.300 NKT được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 165 lượt người là nạn nhân, con cháu nạn nhân chất độc hóa học Dioxin tại 2 huyện Bảo Thắng và Bảo Yên theo Dự án Dioxin…

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giáo dục cho người khuyết tật cũng được triển khai đầy đủ và đồng bộ theo quy định hiện hành, 100% học sinh là người khuyết tật được hưởng đầy đủ chính sách. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thành lập tổ, nhóm chuyên môn giáo dục hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật; xây dựng kế hoạch hoạt động, làm tốt công tác huy động và tiếp nhận người khuyết tật đến lớp học; tạo cơ hội và điều kiện cho người khuyết tật được tham gia các hoạt động hòa nhập với cộng đồng. Chỉ tính riêng năm năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có trên 1.624 học sinh khuyết tật học hòa nhập từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường trợ giúp NKT về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Công tác xã hội hóa các hoạt động trợ giúp NKT đã huy động sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia trợ giúp NKT về phục hồi chức năng phù hợp, chăm sóc nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tăng cường hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm... để cổ vũ, động viên NKT trên địa bàn vơi bớt khó khăn, tự tin, sống có ích, tham gia bình đẳng vào hoạt động xã hội, hòa nhập tốt với cộng đồng.

Để chăm lo tốt hơn cho NKT, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT với những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ giúp NKT về giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định để NKT có điều kiện từng bước tự đảm bảo cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no; vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật./.

 
Nguồn: doingoailaocai.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập