Nghề công tác xã hội – vì sự phát triển bền vững của cộng đồng

Nghề công tác xã hội – vì sự phát triển bền vững của cộng đồng

Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai

Công tác xã hội là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khác biệt, những người gặp khó khăn hoặc những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình...). Sứ mạng của nghề Công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), sau 9 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đến nay, nghề Công tác xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội đã được hình thành và từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em; trợ giúp người khuyết tật; trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ; phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc bệnh nhân tâm thần; chăm sóc, trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi. 

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến nay cả nước đã có hơn 500 cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có hơn 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới người làm công tác xã hội ở các hội, đoàn thể các cấp và cộng tác viên, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Lĩnh vực đào tạo nghề công tác xã hội chuyên nghiệp cũng ngày càng được quan tâm, số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội tăng nhanh.

Tại Lào Cai, nghề công tác xã hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết phát triển nghề Công tác xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, sự cố gắng phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng.

Sở Lao động – TBXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tích cực tuyên truyền nhằm tôn vinh những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn cao quý của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và sự đóng góp của cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như công tác chăm sóc người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, vai trò nòng cốt của tập thể, cá nhân người làm công tác xã hội đặc biệt vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện công tác xã hội. Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội cho hàng nghìn cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em toàn tỉnh; thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng qua đơn vị cung cấp dịch vụ của Bưu điện tỉnh; thực hiện các hoạt động cứu trợ đột xuất cho nhiều đối tượng gặp khó khăn… Đến nay, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với nghề công tác xã hội đã có nhiều biến chuyển tích cực, góp phần từng bước thay đổi về nhận thức của xã hội trong công tác trợ giúp các đối tượng yếu thế, tạo ra sự phát triển bền vững để giải quyết hiệu quả các vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm cộng đồng tự vươn lên.

Lãnh đạo Sở Lao động – TBXH chúc mừng ngày “Công tác xã hội” tại TT công tác xã hội tỉnh.

Theo ông Vũ Văn Vinh – Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai, hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 100 đối tượng bảo trợ xã hội (trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần). Để quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt các đối tượng bảo trợ tại Trung tâm, các cán bộ, nhân viên đã luân phiên trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng; đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng theo thực đơn hàng ngày… Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu các hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực công tác xã hội để các tổ chức, cá nhân biết về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm công tác xã hội tỉnh; nhất là trong việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho các đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thực hiện Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Trung tâm công tác xã hội tỉnh đều tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày "Công tác xã hội Việt Nam" cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và các đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm thông qua các hình thức: Tổ chức tọa đàm nói chuyện chuyên đề cho các cụ người cao tuổi và các cháu đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm; tổ chức thi và trao giải thưởng vẽ tranh cho các cháu với chủ đề: "Lá lành đùm lá rách"; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể thao… Hỗ trợ tư vấn giải quyết các vấn đề công tác xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, là một trong những đơn vị làm nhiệm vụ nghề công tác xã hội,  Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện đồng thời thiết lập kênh công tác xã hội của các tỉnh miền Bắc, tạo điều kiện cho các kết nối phát triển tiếp theo của công tác xã hội bệnh viện Tổ chức chuỗi hoạt động thiện nguyện nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tham gia trợ giúp các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với các Chương trình: “Blouse trắng – Âm nhạc kết nối những yêu thương’; “ấm áp nụ cười vùng cao”; “Nồi cháo tình thương”; “Bánh mỳ yêu thương”... Tổ chức chụp ảnh, cắt tóc miễn phí, trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; chương trình tặng quà tại buồng bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên phối hợp với hội thiện nguyện  cung cấp bữa ăn tình thương 1-2 đợt/tháng, mỗi đợt khoảng 50 xuất ăn; thực hiện phát bánh mỳ hàng tuần; tiếp nhận từ thiện, hỗ trợ bệnh nhân khó khăn tại các khoa lâm sàng hàng ngày; hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện cho cán bộ công tác xã hội trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề công tác xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nguồn lực cho công tác trợ giúp xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương; nhân lực triển khai thục hiện các chính sách trợ giúp còn thiếu; công tác kiểm tra, giám sát và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện các chính sách chưa thường xuyên.

Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, bất bình đẳng; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội. Bởi vậy, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của cộng đồng để nghê Công tác xã hội ngày càng có ý nghĩa thiết thực, là một trong những nhân tố đóng góp an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững/.

 Hồng Minh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập