Dưỡng lão tự nguyện Mô hình mới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai

         Ngày 01/11/2019, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3701/QĐ-UBND về việc ban hành giá dịch vụ trợ giúp xã hội đối với đối tượng tự nguyện được tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

       Đây là mô hình mới nên việc triển khai được Trung tâm chú trọng, bước đầu thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19, song công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi luôn được đơn vị quan tâm, đặc biệt là công tác chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người cao tuổi. Ngay khi tiếp nhận người cao tuổi vào chăm sóc, nuôi dưỡng, người cao tuổi được khám sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ theo dõi và sắp xếp phòng ở phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh tật của từng người. Hàng ngày, bố trí cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe để theo dõi cũng như phát hiện kịp thời những bất thường để xử lý. Hiện nay, nhiều gia đình bận công việc hoặc đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc tốt cho bố mẹ nên cần một địa chỉ tin cậy để gửi gắm việc chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ mình. Nắm bắt thực trạng đó, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện mô hình dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội với mức kinh phí từ 3 triệu đồng /người/tháng đến 6 triệu đồng/người /tháng.

          Có mặt tại khu dưỡng lão dành cho các cụ vào đầu buổi sáng, chúng tôi thấy được những nét mặt vui tươi xen lẫn những cuộc trò chuyện vui vẻ. Bà Nguyễn Thị Sáu, người đã gắn bó với trung tâm từ khi bắt đầu triển khai mô hình, chia sẻ: "Do bố mẹ không còn, anh chị em đều có cuộc sống khó khăn, bản thân không có gia đình, không con cái. Khi tỉnh có chủ trương tiếp nhận dưỡng lão tự nguyện tôi đăng ký vào Trung tâm sinh sống . Ở đây tôi được đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động chăm sóc nhiệt tình, lúc ốm đau được cán bộ ân cần thăm hỏi, động viên, lo từng bữa ăn, từng viên thuốc uống và thường xuyên thăm khám. Vào trung tâm tuy mỗi người một hoàn cảnh, tuổi tác cũng khác nhau nhưng đều coi nhau như người trong một gia đình, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau, đều có tâm trạng chung là gắn bó với  trung tâm đến hết phần đời còn lại"

           Ông Đinh Minh Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết "khó khăn nhất hiện nay của mô hình dưỡng lão tự nguyện là phải làm sao thay đổi được nhận thức của xã hội. Không ít người cho rằng, việc con cái đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là bất hiếu, không nuôi nổi mới đẩy bố mẹ đi... Đây là quan niệm đã lỗi thời bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện chăm sóc bố mẹ già một cách phù hợp; nhiều người cao tuổi phải sống một mình khi con cháu bận công việc, ít có thời gian trò chuyện, chăm sóc. Vào sống trong môi trường tập thể, các cụ có những người bạn già, dễ dàng chia sẻ tâm sự, lại được chăm sóc sức khỏe một cách chuyên nghiệp, sinh hoạt điều độ, đúng giờ..."

          Dù mới triển khai thực hiện song mô hình dưỡng lão tự nguyện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh. Mô hình sẽ tạo môi trường sống phù hợp và ý nghĩa cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TẠI TRUNG TÂM

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai
anh tin bai
Hương Giang - Phó Giám đốc TTCTXH





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập